Nga 'tàng hình hóa' Tu-160 để sánh ngang với Mỹ?
https://tinnongnhatvn.blogspot.com/2015/06/nga-tang-hinh-hoa-tu-160-de-sanh-ngang-my.html
Đồng thời với quyết định nối lại sản xuất oanh tạc cơ Tu-160, Nga cũng quyết định trang bị cho phiên bản Tu-160 mới tính năng tàng hình.
Kế hoạch của Nga
Để có thể tàng hình, các máy bay Tu-160 mới sẽ được trang bị hệ thống tác chiến radio – điện tử hiện đại, có khả năng chống lại các hệ thống radar phòng không của đối phương một cách hiệu quả, nhà sản xuất Công nghệ Radio – Điện tử (KRET) Nga cho biết.
Được biết, KRET đang phát triển một hệ thống dẫn đường mới cho máy bay, một hệ thống định vị và xác định mục tiêu, cũng như một hệ thống điều khiển vũ khí và các thiết bị điện tử khác. Tổng cộng 800 doanh nghiệp và tổ chức đang tham gia vào kế hoạch hiện đại hoá các máy báy ném bom hạng nặng Tu-160.
KRET cho biết thêm, hiện công ty này cũng đang thiết kế các hệ thống điều khiển động cơ và kiểm soát nhiên liệu tiêu thụ cũng như một văn phòng bảo trì riêng nhằm hỗ trợ phi công trường hợp bất khả kháng.
Máy bay ném bom Tu-160. |
Hồi đầu tháng 5/2015, Sputnik dẫn lời Bộ trưởng Sergei Shoigu khi tới thăm Nhà máy Hàng không Kazan: "Ngày hôm nay cần có quyết định về nhiệm vụ không chỉ bảo dưỡng và hiện đại hóa phi đội máy bay tầm xa, mà cả việc nối lại chế tạo máy bay mang tên lửa Tu-160".
Tu-160 là "cỗ máy đặc biệt đi trước thời đại nhiều thập kỷ và cho tới nay vẫn chưa khai thác hết các khả năng của nó", Bộ trưởng Sergei Shoigu cho biết thêm.
Quyết định của Nga được tờ Inquisitr (Mỹ) nhận định, theo đó nguyên nhân khiến Nga quyết định hồi sinh máy bay ném bom từ thời Liên Xô xuất phát từ sức mạnh khủng khiếp của Tu-160 - loại máy bay Nga vẫn chưa sử dụng hết tính năng.
Nga khó theo kịp
Dù kế hoạch "tàng hình hóa" Tu-160 được Nga công khai, tuy nhiên chỉ dựa vào hệ thống KRET để tàng hình là không đủ. Đặc biệt, để hoàn thành bản kế hoạch này không phải là chuyện dễ dàng với Nga trong tình hình hiện nay, nơi hầu hết những chương trình quốc phòng lớn bị đình trệ.
Trong khi đó, B-2 Spirit đối thủ của Tu-160 dù đã ra đời hàng chục năm tuy nhiên sức mạnh và khả năng tàng hình của B-2 Spirit vẫn là mẫu mực với những máy bay thế hệ mới hiện nay. Để làm nên sự khác biệt đó, nhà sản xuất Northrop Grumman đã tạo cho B-2 Spirit có một kiểu dáng như con dơi khổng lổ, không có cánh đuôi, cánh chính được kéo dài kì lạ.
Máy bay B-2 Spirit. |
Ngoài ra, Northrop Grumman còn tăng khả năng hấp thụ tia radar bằng cách dùng vật liệu có tính hấp thụ mạnh như sợi carbon dệt thành tấm mỏng, cao su chịu nhiệt để bọc thân, cánh và các đường giao tuyến với các mặt phẳng.
Cụ thể, bề ngoài của B-2 Spirit sử dụng phần lớn vật liệu phức hợp đá đen và sợi than có trọng lượng nhẹ, cường độ chịu lực lớn, phản xạ sóng radar nhỏ. Trên bề mặt vật liệu có dạng tổ ong li ti hấp thụ được sóng radar.
Ngoài năng lực tàng hình nổi bật của mình, B-2 còn có sức tấn công mạnh mẽ với khả năng mang 23 tấn vũ khí gồm: 80 bom Mk-82 227kg hoặc 36 bom CBU 350kg hoặc 16 bom hạt nhân B61 trên giá phóng quay. Thậm chí, B-2 còn có thể mang bom thông minh dẫn đường GPS JDAM.
B-2 Spirit bắt đầu tham chiến trong Chiến tranh Kosovo năm 1999. B-2 Spirit là máy bay đầu tiên sử dụng Vũ khí tấn công điều khiển chung (JDAM) trong chiến tranh. Từ đó, chiếc máy bay này đã hoạt động tại Afghanistan trong Chiến dịch Tự Do Vĩnh Viễn và tại Iraq trong Chiến dịch Tự Do Iraq.
Sau khi ném bom các mục tiêu tại Afghanistan, chiếc máy bay hạ cánh tại Diego Garcia, tái nạp nhiên liệu và thay thế đội bay cho lần xuất kích tiếp theo. Trong chiến dịch tại Iraq nó còn phải bay xa hơn bởi B-2 đóng tại căn cứ Diego Garcia.
Những phi vụ sau này ở Iraq diễn ra từ Căn cứ không quân Whiteman ở Missouri. Điều này khiến nhiều phi vụ kéo dài hơn 30 giờ và một phi vụ đã kéo dài hơn 50 giờ. Nhờ được trang bị công nghệ hàng đầu nên B-2 có tính năng tự động cao, vì vậy, trong khi một thành viên đội bay có thể ngủ, trong khi người kia điều khiển máy bay.
Theo báo đất việt