“Trung Quốc mang vũ khí hạng nặng ra biển Đông là hành động đi xâm chiếm”
https://tinnongnhatvn.blogspot.com/2015/06/trung-quoc-mang-vu-khi-hang-nang-ra-bien-dong-la-hanh-dong-di-xam-chiem.html
“Hành động cải tạo các bãi đá ngầm không thuộc quyền và chủ quyền của Trung Quốc, nghiêm trọng hơn là việc mang vũ khí hạng nặng ra các bãi đá ngầm là hành động đi xâm chiếm, cả thế giới cần lên án hành động này”.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) nhấn mạnh như vậy trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại nghị trường Quốc hội sáng nay (8/6).
Phần thảo luận của đại biểu Trần Quốc Tuấn tập trung tối đa vào nội dung liên quan đến chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, trong đó khẳng định Trung Quốc đang gia tăng các hành động đơn phương gây nguy hại đến an toàn lãnh hải và hòa bình trên biển Đông.
“Từ việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đến hành động đơn phương cấm ngư dân đánh bắt cá, xua đuổi và đe dọa tàu cứu hộ cứu nạn của Việt Nam. Đặc biệt, thời gian gần đây nhất, Trung Quốc tiến hành cải tạo trái phép các đảo Gạc Ma, Cô Lin, các bãi đá ngầm của quần đảo Trường Sa vốn thuộc quyền và chủ quyền của Việt Nam …
Hành động cải tạo các bãi đá ngầm không thuộc quyền - chủ quyền của Trung Quốc, nghiêm trọng hơn là việc mang vũ khí hạng nặng ra các bãi đá ngầm là hành động đi xâm chiếm, cả thế giới cần lên án hành động này và yêu cầu Trung Quốc phải có lòng tự trọng của một chính quyền nước lớn, phải biết xấu hổ khi đi xâm chiếm chủ quyền của các nước trong một kỷ nguyên hiện đại” - đại biểu Trần Quốc Tuấn khẳng định.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh về vấn đề biển Đông trong phiên thảo luận sáng 8/6. |
Đặt ra vấn đề trước Quốc hội rằng: Nếu đây là chủ quyền của mình, tại sao Trung Quốc không dám giải quyết vấn đề tranh chấp tại cơ quan tài phán quốc tế?
Vị đại biểu tỉnh Trà Vinh tiếp tục khẳng định: “Hành động này của Trung Quốc là ngang ngược, là thách thức các cường quốc khác trên thế giới và cố tình đặt các nước vào việc đã rồi để Trung Quốc thực hiện âm mưu độc chiếm biển Đông theo đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ ra và buộc các nước khác phải công nhận.
Cử tri và nhân dân của nước mong muốn Đảng, Quốc hội, Chính phủ có những quyết sách đúng đắn hơn, phù hợp hơn. Trước hết cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa, tương tự như những phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến công du xuyên 3 châu lục vừa qua, đồng thời tăng cường nhiều hơn các hoạt động ngoại giao giữa lãnh đạo nước ta đến các nước trên thế giới”.
Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên tổ chức các hội thảo về biển Đông, cung cấp các bằng chứng lịch sử về quyền và chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Qua đó, tranh thủ chính quyền các nước, các cơ quan truyền thông quốc tế, tiếp sức với Việt Nam lên án hành động sai trái của Trung Quốc.
“Với những việc làm mạnh mẽ hơn nữa, tôi tin rằng cả thế giới này không thể đứng ngoài cuộc trước một Trung Quốc chỉ biết lợi cho mình mà không tôn trọng quyền, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới” - đại biểu Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Cũng tham luận về vấn đề chủ quyền biển đảo, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa - tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng Chính phủ nêu việc đảm bảo an ninh chính trị, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức.
“Đề nghị cần tăng cường tiềm lực quốc phòng cho các địa bàn chiến lược. Chính phủ đã tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh vùng biển, xây dựng một số cầu cảng, bố trí cho ngư dân đóng tàu, tăng cường tiềm lực quân sự bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ Tổ quốc. Chính phủ cần đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ hơn về chiến lược biển Đông, chủ động với diễn biến tình hình trên cơ sở đó đưa ra những dự báo, đưa ra các giải pháp kịp thời, đối phó trong tình hình hiện nay; tiếp tục cân đối nguồn lực, đầu tư toàn diện hệ thống tuyến đảo, tạo hệ thống liên lạc giữa các đảo của nước ta” - đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa kiến nghị.
Ngoài ra, vị đại biểu này cho biết, hiện các đảo gần bờ, từ miền Trung còn gặp nhiều khó khăn,vì vậy cần khẩn trương hoàn thiện các đề án khu kinh tế, quốc phòng, tăng cường khu mua hải sản của ngư dân, tạo khí thế cho ngư dân.
Trên cơ sở đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu tập trung lựa chọn để thành lập các doanh nghiệp mạnh, tổ chức chỉ huy tập thể để đánh bắt cá trên biển, trang bị các tàu bọc thép công suất lớn, lựa chọn chiến sĩ hải quân, từng bước xây dựng thế trận nhân dân trên biển. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, tăng cường nguồn nhân lực làm kinh tế trên biển.
Chính phủ phải nói như làm, làm như nói!
Tại phiên thảo luận sáng nay, đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) cho rằng, báo cáo của Viện Kiểm sát về chống tham nhũng cho thấy, tội tham nhũng bị khởi tố gần 21,8%, điều này phải chăng chưa chọc thủng được bức màn che tham nhũng?
Đại biểu Nguyễn Thái Học - đoàn Phú Yên |
Cũng trong phiên thảo luận này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) nêu quan điểm về vấn đề tham nhũng lãng phí không được giải quyết triệt để, vậy nên mới có chuyện có doanh nghiệp trốn thuế 13 năm mới phát hiện.
Ngoài ra, đề cập đến cơ chế, chính sách và an sinh xã hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương dẫn ra những bất cập trong chính sách xét tuyển công chức với nhiều lỗ hổng mà chưa kiểm soát được; chính sách tiền lương chưa hợp lí, trong cùng một vùng cách nhau chưa đến 1 km mà lương chênh nhau 3-4 triệu đồng; cùng là công chức hành chính nhà nước trên cùng một địa bàn nhưng có ngành lương cao, có ngành lương thấp; chế độ thâm niên cho giao viên cũng bất cập, nhiều giáo viên giỏi, giảng dạy nhiều năm nhưng chế độ thâm niên không có; chế độ tiền lương hưu cho những đối tượng về hưu trước năm 2003 có nhiều công lao đóng góp cho đất nước nhưng lương lại thấp hơn các đối tượng về hưu sau…
Theo Dân trí