Thảm sát ở Bình Phước: Hai nghi can đối mặt với án phạt tử hình

Hành vi phạm tội của Dương và Tiến sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 2 tội “Giết người” và “Cướp tài sản” theo điều 93 và 133 BLHS ở khung cao nhất.

Mới đây, Bộ Công an đã họp báo, công bố các thông tin liên quan đến vụ thảm sát làm 6 người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ tại ấp 2, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Bộ Công an đã khởi tố vụ án, bắt giữ 2 nghi can là Nguyễn Hải Dương (quê xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) và Vũ Văn Tiến (24 tuổi, HKTT: thôn Phú Nguyên, xã Phú Riềng, Bù Gia Mập, Bình Phước, cả hai cùng 24 tuổi, tạm trú xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TPHCM) về hành vi “Giết người”, “Cướp tài sản”.
Nghi can Nguyễn Hải Dương (trái) và Vũ Văn Tiến (phải) tại cơ quan điều tra
Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Trong vu án trên, Nguyễn Hải Dương khai nhận Dương là chủ mưu và là người thực hiện hành vi giết các nạn nhân, còn Tiến với vai trò là người giúp sức. Mục đích thực hiện hành vi phạm tội là để trả thù và cướp tài sản.
Vì vậy, cả hai đối tượng này sẽ bị khởi tố về tội Giết người theo quy định tại khoản 1, Điều 93 Bộ luật hình sự và Tội cướp tài sản theo quy định tại khoản 4, Điều 133 Bộ luật hình sự. Cả hai tội danh và khung hình phạt này thì mức cao nhất đều là tử hình.

Ngoài ra, với hành vi giết đến 6 người với động cơ hận tình rồi trả thù cả gia đình nên thực hiện hành vi tội phạm đến cùng với thái độ lạnh lùng, xuống tay với cả người đã có thời gian yêu thương thì riêng tội Giết người, nghi can Dương sẽ bị quy buộc đến 6 tình tiết tăng nặng định khung quy định tại điểm a) Giết nhiều người, c) Giết trẻ em, i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ, n) Có tính chất côn đồ, o) Có tổ chức, q) Vì động cơ đê hèn. Với 6 tình tiết định khung tăng nặng này thì nghi can Dương sẽ bị truy cứu ở Khoản 1, Điều 93 về Tội giết người với khung hình phạt cao nhất đến tử hình.

Nghi can Vũ Văn Tiến là người đã giúp sức đắc lực cho Dương trong việc trói các nạn nhân nên cũng bị áp dụng các tình tiết tăng nặng định khung tương tự và sẽ bị truy cứu ở K.1, Đ.93 về tội Giết người.

Có thể thấy rằng, trong vụ án này, vai trò của Dương là quan trọng, chủ yếu, còn vai trò của Tiến là thứ yếu. Trên cơ sở đó, tòa án sẽ ấn định mức hình phạt cho từng đối tượng phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội tương xứng trong vụ án.

Ngoài ra, theo thông tin đã đưa, thì hôm nay 13/7 cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố bị can để khởi tố hai bị can này về 2 Tội danh Giết người và Cướp tài sản. Đồng thời cơ quan điều tra đã ra lệnh tạm giam 4 tháng đối với hai nghi can này để thực hiện thủ tục điều tra.

Mọi việc vẫn đang còn ở phía trước. Các bị can này cũng sẽ được mời luật sư để bào chữa cho mình. Nếu các bị can và gia đình bị can không mời luật sư bào chữa thì theo quy định pháp luật các đối tượng này cũng sẽ được cơ quan tiến hành tố tụng cử người bào chữa. Cũng lưu ý rằng việc bào chữa ở đây không đồng nghĩa với việc bao biện, chạy tội, không dung túng cái ác mà chỉ làm sáng tỏ nội dung vụ án, tránh oan sai, không bỏ lọt.

Nếu bị cáo có tội thì việc bào chữa là để hướng đến một mức án phù hợp, sao cho kế quả giải quyết vụ án thế nào thì các bị cáo cũng phải tâm phục, khẩu phục và đảm bảo được mục đích, ý nghĩa của hình phạt. Việc bào chữa cho các bị cáo trong các vụ án hình sự là để thực hiện quyền con người và các quyền khác của bị can, bị cáo trong quá trình thực hiện các thủ tục tố tụng, đảm bảo vụ án được giải quyết một cách khách quan, công bằng, đúng quy định pháp luật.
Ảnh khám nghiệm hiện trường vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước
Kết thúc vụ án, kết quả giải quyết vụ án phải đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, phải thể hiện rõ tính nghiêm minh của pháp luật và sự khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta. Để đảm bảo thực hiện quyền con người thì chỉ áp dụng hình phạt tử hình khi đối tượng đó không còn có thể cải tạo, giáo dục được nữa; hoặc hậu quả mà đối tượng đó gây ra quá ghê gớm, gây hệ lụy vô cùng lớn cho xã hội, gây tâm lý không tốt cho xã hội, hội đồng xét xử xét thấy cần phải xử lý áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất để tăng để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung...

Kết quả giải quyết vụ án sẽ do Tòa án quyết định trên cơ sở thực hiện các thủ tục tố tụng công khai. Theo quy trình sửa đổi thủ tục tố tụng hình sự từ "tố tụng hỗn hợp, đan xen nghiêng về thẩm vấn" sang thủ tục "tố tụng tranh tụng" thì: Những tình tiết, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án sẽ được làm sáng tỏ tại phiên tòa: Bên buộc tội (VKS) sẽ trình bày căn cứ, chứng cứ buộc tội; Bên gỡ tội (bị cáo, người bào chữa) sẽ trình bày, lập luận, phân tích quan điểm của mình và đưa ra các chứng cứ, căn cứ gỡ tội...

Hai bên tranh luận, rồi cuối cùng tòa án sẽ quyết định trên cơ sở diễn biến của phiên xét xử vụ án chứ không "án tại hồ sơ" như trước đây.

Điều 20 Bộ luật hình sự: Đồng phạm

Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

Related

Tin nóng 2887202345713427231

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Bài đọc nhiều

item