Chủ tịch Đường sắt: 'Tổn thất vụ tai nạn tàu SE5 vô cùng lớn'
https://tinnongnhatvn.blogspot.com/2015/03/chu-tich-duong-sat-ton-that-vu-tai-nan-tau-se5-vo-cung-lon.html
Tin nóng - Ngoài một người thiệt mạng, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt đánh giá chi phí sửa chữa toa xe, đầu máy lên đến 23 tỷ đồng, hàng nghìn hành khách bị chậm giờ sau tai nạn tàu hỏa đâm xe ben đêm 10/3.
Trao đổi với VnExpress sáng 12/3, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt, cho biết, chi phí sửa chữa đầu máy và toa xe hư hỏng cộng với chi phí sửa chữa hạ tầng, chuyển tải hành khách do vụ va chạm giữa tàu SE 5 với xe ben chở đá tối 10/3 tại khu gian Quảng Trị - Diên Sanh (Quảng Trị) ước khoảng 23 tỷ đồng.Theo ngành đường sắt, vụ va chạm đã làm lái tàu Lê Minh Phú tử vong; đầu máy D19E- 968 bị phá nát, một toa hàng ăn và 2 toa khách ghế ngồi mềm bị hư hỏng nặng, một tủ điều khiển thiết bị cảnh báo đường ngang tự động kèm dây cáp bị hư hỏng hoàn toàn, hơn 120 m đường sắt và tà vẹt bị cày xới, vỡ.
Tuyến đường sắt Bắc Nam tê liệt 1 ngày sau sự cố tàu SE5. Ảnh: Hoàng Táo.
Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, thiệt hại xã hội lớn hơn nhiều lần khi 2.500 hành khách khác bị chậm tàu nhiều giờ, nhiều tàu hàng bị đình trệ, hàng nghìn phương tiện bị ùn tắc trên quốc lộ 1A. Ngành đường sắt đã phải huy động 200 cán bộ, nhân viên trực tiếp cứu hộ tại hiện trường.
"Chỉ vì một người lái xe bất cẩn, vi phạm an toàn giao thông đã làm tổn thất vô cùng lớn với ngành đường sắt và xã hội, gây hoang mang cho nhiều hành khách", ông Thành nói.
Đánh giá về công tác cứu nạn, ông Trần Ngọc Thành nhận xét, tàu SE5 được cứu hộ, cứu nạn rất khẩn trương, với nỗ lực cao nhất của ngành và chính quyền sở tại.
Tuy nhiên, trong quá trình cứu hộ vẫn xảy ra một số sự cố, phương tiện cứu hộ bị đổ ảnh hưởng việc giải tỏa hiện trường. Nguyên nhân khiến cần trục cứu hộ bị đổ được xác định là do sự cố kỹ thuật bất thường. Dù phương tiện mới được kiểm định song khi đưa cánh tay cẩu ra đã bị đổ và đổ tiếp về hướng ngược lại sau khi được cứu hộ thành công. Do vậy, chiếc cần trục này đã không thể hoạt động suốt quá trình cứu hộ.
Lãnh đạo ngành khẳng định sẽ yêu cầu giám định chất lượng phương tiện để tìm nguyên nhân sự cố, cùng với đó là kiểm điểm, đánh giá lại quy trình để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh trong công tác cứu hộ.
Hiện trường vụ tai nạn. Đồ họa: Tiến Thành.
Trực tiếp cứu hộ tại hiện trường, ông Bùi Văn Tựu, Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt Việt Nam, cũng cho biết, cần trục được điều khiển tự động hiện đại song đã gặp sự cố kỹ thuật. Thiết bị gặp lỗi nên khi cánh tay cẩu vươn ra thì mất cân bằng. Cần trục này đã sử dụng hơn 10 năm, chuyên cứu hộ các toa hàng nặng.
Trước đó, 21h41 ngày 10/3, tàu khách SE5 chạy hướng Bắc - Nam khi đến Km 639+750 thuộc xã Hải Thượng (Hải Lăng) thì gặp xe ben chở đá dăm băng ngang đường sắt. Cú đâm mạnh khiến 3 toa tàu bị lật, đầu máy bị phá nát, hư hỏng nặng, lái tàu Lê Minh Phú tử vong trên cabin.
Sáng 11/3, cần trục chuyên dụng của ngành đường sắt đến cứu hộ các toa tàu bất ngờ đổ sập. Được cứu thành công vào chiều cùng ngày, cần trục tiếp tục trượt khỏi ray lần thứ hai khiến công tác cứu hộ bị chững lại. Đến 20h55 ngày 11/3, tuyến đường sắt qua Quảng Trị mới thông.
Theo vnexpress