Trông cậy gì ở tương lai khi nhân tính của thế hệ trẻ tha hóa như thế?
https://tinnongnhatvn.blogspot.com/2015/03/trong-cay-gi-o-tuong-lai-khi-nhan-tinh-cua-the-he-tre-tha-hoa-nhu-the.html
Tin nóng trong ngày - Từ sự việc nữ sinh Trà Vinh bị bạn đánh dã man, các báo đã nhìn rộng hơn về hiện tượng bạo lực học đường.
Một lời cảnh báo đã được gióng chuông liên hồi!
Clip trên chỉ như nhỏ thêm một giọt nước nhỏ vào sự hoang mang, lo sợ về tình trạng bạo lực học đường đã được cảnh báo lây nay. Còn trên thực tế, chúng ta đã chứng kiến không ít vụ bạo lực học đường có mức độ ghê gớm không kém như lột đồ, đánh bạn đến thâm tím mặt mày… cho đến những trường hợp mất mạng từ những mâu thuẫn học đường.
Nhưng chưa bao giờ mức độ tàn bạo, ra đòn với thái độ vô cảm, tàn nhẫn được các em thể hiện bình thản như bây giờ. Phần ác trong con người các em như đang được bùng nổ với một sự công khai, nhởn nhơ và đầy thách thức.
Bạo lực học đường không là chuyện học trò đánh nhau mà nó đang “nuôi dưỡng” cho xã hội hành xử trên nền tảng bạo lực, không tình người.
Một lời cảnh báo đã được gióng chuông liên hồi!
Những người làm công tác giáo dục thấy rõ điều này hơn ai hết nhưng tất cả vẫn đang bị lờ đi hoặc có chăng mới chỉ là sự vùng vẫy khi chưa có biện pháp thỏa đáng và thực hiện thiếu tâm huyến và quyết liệt.
- Nhà báo Hoài Nam
Giàu có để làm gì?
Sự nghiệp trồng người cao quý mà xã hội trông cậy ở các thầy cô đến hôm nay kết quả ở đâu?
Bi kịch của những đứa bé bị bạn đánh đến thương tích, đến thân tàn ma dại ở trường học sẽ còn tiếp diễn, khi mà các nhà trường chưa xem chuyện này là chuyện lớn, khi ngành giáo dục còn thờ ơ xem như chuyện xảy ra trên Sao Hỏa vậy thôi.
Chúng ta trông cậy gì ở tương lai khi có những thế hệ trẻ như những học sinh trong clip ấy? Những đứa bé đứng xem bạn mình bị đánh dã man mà không cử động một ngón tay cứu giúp bạn, chúng đã đầu hàng cái ác, cái xấu mất rồi?
Giàu có để làm gì, phát triển để ích gì khi dưới mái trường, những đứa trẻ đánh người không biết ghê tay. Chúng rồi sẽ còn làm những gì nữa khi trưởng thành?
Tôi muốn viết thật nhiều điều cho những đứa bé bị đánh ở trường và cả những đứa trẻ đã ra tay đánh bạn. Tôi muốn nói với chúng rằng, các con rốt cục cũng chỉ là nạn nhân của thói ích kỷ, vô trách nhiệm của người lớn mà thôi.
Chúng ta, chính những người lớn đã tạo ra những đứa trẻ thế này. Cha mẹ, thầy cô, xã hội đều có phần trách nhiệm trong việc để những đứa trẻ hành xử như thế. Chúng ta đã không cho chúng đủ đầy tình thương, sự quan tâm, không nuôi dưỡng được trong chúng những mầm cảm xúc thiện lành, tử tế.
Những vết thương trên cơ thể có thể sẽ lành, nhưng những vết thương vô hình và nỗi sợ hãi đến cùng cực khi bị bạn bè, đồng loại tấn công, nhục mạ thì không sao gột rửa được.
Không phải là chuyện trên Sao Hỏa nữa đâu mà lửa đã cháy ngay sau lưng chúng ta rồi đó.
- Nhà báo Mi An
Giữa nhà trường và gia đình cần liên lạc chặt chẽ, không phải chỉ mỗi năm 3 lần họp đầu, giữa và cuối kỳ để đóng tiền và xem xét kết quả học tập HS. “Khi xảy ra sự việc, đừng vì thành tích mà che đậy hoặc lạnh lùng thẳng tay với HS vi phạm để rồi từ chuyện đau lòng này kết thúc bằng những chuyện đau lòng khác.
Xin cùng lắng nghe, bình tâm suy nghĩ để có một giải pháp và hình thức xử lý thỏa đáng, vừa kiên quyết vừa có tình để các em còn tin ở lẽ phải.
Vết thương ngoài da rồi sẽ lành nhưng vết thương trong tâm hồn sẽ theo suốt cuộc đời các em. Hoặc các em sẽ sợ sệt, trầm cảm hoặc trở nên hung dữ, ác độc hơn để trả thù lại sự tàn ác. Điều đó tùy thuộc vào cách xử sự của người lớn”.
- TS Hoàng Kim Oanh, nguyên Trưởng Khoa Giáo dục Tiểu học Trường ĐH Sài Gòn
Đuổi học có phải là biện pháp tốt?
Việc quay clip khi hành hung bạn một cách tàn nhẫn của các nữ sinh đã biến chuyển từ hành động cá biệt sang trào lưu. Cần phải xem xét hiện tượng này từ gốc thì mới có cách giải quyết, chứ đuổi học các em chỉ xử lý được “phần ngọn”.
Nếu nhà trường “buông tay” với các em học sinh hư, không dạy các em, đẩy các em ra ngoài xã hội thì ai sẽ dạy? Ở lứa tuổi chưa trưởng thành, các em rất dễ bị sa ngã, lôi kéo phạm tội nếu không được giáo dục và định hướng tốt.
Để giữ bình yên cho trường nhưng tạo thêm mầm mống bất bình ổn trong xã hội nếu như các em đó chán nản, tham gia vào các hoạt động tội phạm thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
- Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Thanh
Thầy cô ở đâu?
Nhưng đau nhất vẫn là môi trường học đường bị vẩn đục, khi nữ sinh bị đánh bằng ghế một cách dã man. Tàn nhẫn thay khi nó được bịt kín như bưng.
Người bị bạo hành thì không nói nên lời. Người bạo hành thì không lên tiếng. Còn người chứng kiến thì chẳng biết thế nào nên cũng im hơi. Thông tin được lộ ra đúng vào ngày mà phụ nữ được tôn vinh.
Khi các em bị bạo lực, thầy cô ở đâu? Thầy cô ở đâu để những nỗi buồn của em vương trên mắt trên môi mà không ai thấy?
Ai sẽ giúp đỡ em học sinh gặp khó khăn, thầy cô ơi. Học sinh sợ lắm những tiết sinh hoạt chủ nhiệm được mệnh danh là tiết mắng chửi. Sợ lắm phải nằm chễm chệ trong sổ đầu bài với tên gọi: kẻ phiến loạn, và sợ lắm phải chào cờ một mình đứng giữa sân vì là người duy nhất tạo nên giờ C cho lớp...
Thầy cô ở đâu khi học sinh trăn trở, mối quan hệ giữa thầy cô và học sinh đang diễn ra theo chiều hướng nào, thầy cô sẽ làm gì để trở thành người bạn hay điểm tựa cho các em? Thầy cô có thể dành cho các em chút quan tâm, chút tình thương, chút quan sát, chút trò chuyện và chút lòng thành của sự thân thiện được không?
Dẫu biết rằng có thể là lỗi do học sinh, dẫu biết là thầy cô rất bận với nhiều áp lực bủa vây và dẫu biết là cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cần khẳng định rằng: học sinh cần thầy cô. Gia đình cần thầy cô, xã hội cần thầy cô. Cần lắm khi thầy cô dạy học, giáo dục học sinh nên người. Cần lắm khi thầy cô xử lý những mâu thuẫn giữa học trò với nhau. Và cần lắm thầy cô giúp học trò trấn an để có thể nhẹ nhàng và bước tiếp cuộc sống. Mọi thứ sẽ được khi và chỉ khi thầy cô dành thời gian và tâm trí dành cho chúng em.
- PGS-TS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội VN
Theo vietnamnet.vn